Hiện trên địa bàn xã Thành Tâm có hơn 60 hộ chuyên làm stump cao su giống, với tổng diện tích gần 100 ha. Hộ ông Lê Ngọc Tụ, ấp Hòa Vinh I, xã Thành Tâm đầu tư 2 ha cao su giống, được khoảng 200 ngàn stump, chủ yếu ghép 3 loại giống cao su: PB235, diêu 209, lai hoa 90952. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, vườn cây giống của gia đình ông Tụ được chăm sóc bài bản, cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Tụ cho biết: Năm nay, thị trường cao su giống rất hút hàng, giá cả cao. Hiện 1 cây cao su giống đặt trong bầu chưa có lá giá 15 ngàn đồng. Cao su giống có 1 tầng lá giá 20 ngàn đồng/bầu. Cây có 2 tầng lá giá dao động từ 30-32 ngàn đồng/ bầu. Đến nay, gia đình tôi đã bán gần hết 200 ngàn stump cao su giống, ước trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Gia đình đang tiếp tục đầu tư làm 200 ngàn cây cao su giống cho năm sau.
Tương tự, hộ bà Lê Thị Thảo ở cùng ấp Hòa Vinh I, đã có nhiều năm gắn bó với nghề làm cao su giống. Năm nay, gia đình bà trồng 1 ha cao su giống, với khoảng 100 ngàn stump cao su giống. Để chủ động đầu ra, bà Thảo đã ký kết hợp đồng cung ứng giống từ năm trước và đầu năm nay với một số doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài nước. Vì thế, cây giống sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Hiện gia đình bà Thảo đã bán hết 100 ngàn stump cao su giống, đồng thời còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho một số hộ nông dân trồng nhỏ lẻ khác. Ước trừ chi phí, gia đình bà Thảo thu lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.
Bà Thảo chia sẻ: Nghề làm cao su giống cũng thăng trầm. Ai gắn bó được thì trước hết phải yêu nghề, lắm rõ kỹ thuật cũng như đặc điểm của từng giống cây để sản xuất cung ứng ra thị trường cho phù hợp. Năm nay giá cao vì nhu cầu của người dân, doanh nghiệp các nơi đến mua nhiều, số lượng cung không đủ cầu. Gia đình tôi rất phấn khởi, người làm công chúng tôi cũng trả giá cao 500 ngàn đồng/ngày công để cắt ghép cho kịp thời vụ.
Làm cao su giống là nghề truyền thống của nông dân ở xã Thành Tâm. Mặc dù giá cả, thị trường đầu ra các năm có biến động, song nhiều hộ nông dân vẫn bám trụ với nghề này, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động thường xuyên và thời vụ ở địa phương.
Ông Võ Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết: Đa số hộ nông dân gắn bó với nghề này đều có kinh nghiệm từ 15-30 năm; đã giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ ở địa phương. Với thị trường cây cao su giống hiện nay, Hội Nông dân xã cũng động viên nông dân duy trì nghề truyền thống của địa phương, đồng thời khuyến cáo không nên mở rộng thêm diện tích, phải cân nhắc kỹ thị trường đầu ra, khuyến khích có ký kết hợp đồng bao trồng để tránh tình trạng cung vượt cầu. Hội mong muốn các cấp, ngành huyện, tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về vay vốn, chính sách, thủ tục pháp lý để tạo thương hiệu cao su giống trên vùng đất xã Thành Tâm.